Ba giọng nói bảo thủ, ôn hòa và cấp tiến cùng lên tiếng về thượng hội đồng gia đình
Ba giọng nói bảo thủ, ôn hòa và cấp tiến cùng lên tiếng về thượng hội đồng gia đình
Theo tin LifeSiteNews.com ngày 12 tháng Ba, 2 vị Hồng Y rất tích cực tại thượng hội đồng đặc biệt về gia đình năm 2014 đã đưa ra các nhận định rất tương phản nhau về các vấn đề nóng bỏng của thượng hội đồng, khi nói chuyện với đám đông tại Anh vào cuối tuần trước đó.
Thực vậy, trong khi Đức Hồng Y Raymond Burke thúc giục các Kitô hữu sẵn sàng tử đạo nếu cần để bảo vệ gia đình, thì Đức Hồng Y Luis Tagle nhấn mạnh tới việc cần tránh thứ ngôn từ “khó nghe” và “nghiêm khắc” chống người đồng tính và những người Công Giáo “tái hôn” mà không có tuyên bố hôn nhân trước vô hiệu.
Bảo thủ
Trong một diễn văn ở miền bắc nước Anh tại một hội nghị do Hội Bảo Vệ Các Trẻ Em Chưa Sinh và Tiếng Nói Gia Đình tổ chức, Đức Hồng Y Burke nói rằng xã hội chúng ta có thể “không còn được gọi là Kitô Giáo nữa” và ngài kêu gọi một phong trào tái phúc âm hóa, bắt đầu lại từ đầu.
Ngài nói: “Thời nay, chứng tá của ta đối với vẻ sáng lạn của sự thật về gia đình phải thật trong sáng và anh hùng. Ta phải sẵn sàng chịu đau khổ, như các Kitô hữu từng chịu đau khổ trong các thời đại qua, để vinh danh và phát huy Bí Tích Hôn Phối”.
Ngài đề nghị lấy các vị tử đạo là Thánh John Fisher, Thánh Thomas More và Thánh Gioan Tẩy Giả làm mẫu mực, ba vị thánh từng “tử đạo để bênh vực sự toàn vẹn của lòng chung thủy và bất khả tiêu của hôn nhân”.
Theo ngài, “đức tin Kitô Giáo và việc thực hành nó phải được phân bố như mới, như thể đây là lần đầu tiên, như trong các thế kỷ thứ nhất và vào thời quê hương của chúng ta được phúc âm hóa”.
Ngài nói thêm: “đặc điểm Kitô Giáo của nền văn hóa không còn là một dữ kiện nữa, cho dù nó đã từng là một dữ kiện trong nhiều thế kỷ qua”. Những Kitô hữu nào đảm nhiệm sứ mệnh chủ chốt này, “phải đặc biệt lưu tâm tới tính thánh thiêng của hôn nhân, tới lòng chung thủy, tới tính bất khả tiêu và tính sinh sản của kết hợp vợ chồng”.
Đức Hồng Y Burke cho rằng tình hình hiện nay trên khắp thế giới là do việc tách biệt một cách có hệ thống việc sinh sản ra khỏi việc kết hợp tính dục. “Người ta chỉ cần nghĩ tới sự tàn phá mỗi ngày mỗi giáng xuống thế giới bởi kỹ nghệ khiêu dâm trị giá hàng nhiều tỷ đôla, hay nghĩ tới nghị trình hết sức gây hấn của người đồng tính vốn chỉ có thể phát sinh ra nỗi bất hạnh sâu xa, thậm chí thất vọng nữa, nơi những người bị nó chi phối và sự tàn phá đối với xã hội, như nó vốn gây ra trong lịch sử.
“Điều nền tảng để biến đổi nền văn hóa Tây Phương là công bố sự thật về việc kết hợp phu phụ trong sự viên mãn của nó và sửa chữa lối suy nghĩ ngừa thai vốn kỳ thị sự sống, kỳ thị việc sinh sản”.
Ngài trình bày thêm rằng việc phúc âm hóa trên phải bắt đầu ngay trong Giáo Hội. “Một cách tổng quát, nếu một cuộc tân phúc âm hóa không diễn ra trong hôn nhân, gia đình, thì nó sẽ không diễn ra trong Giáo Hội hay trong xã hội nói chung”.
Đức Hồng Y Burke cảnh cáo rằng các nền văn hóa Tây Phương hiện đang “hết sức mù mờ và sai lầm về chân lý nền tảng của hôn nhân và gia đình” và việc mù mờ này đã nhập vào Giáo Hội.
Ngài cho rằng “dưới áp lực của nền văn hóa hoàn toàn duy tục hóa”, Giáo Hội đã nhìn thấy “một mù mờ ngày càng lớn, thậm chí sai lầm nữa” đang bước vào Giáo Hội, “một sai lầm sẽ làm suy yếu trầm trọng, nếu không muốn nói là hoàn toàn phá hoại, chứng tá của Giáo Hội, gây hại cho toàn bộ xã hội”.
Việc “mù mờ và sai lầm này đã trở thành hiển nhiên đối với thế giới” tại thượng hội đồng. Theo ngài, Bản Tường Trình giữa khóa của thượng hội đồng này, một bản tường trình cho rằng Giáo Hội nên “chấp nhận và trân quí khuynh hướng đồng tính luyến ái”, quả là “một bản tuyên ngôn, một loại xúi giục” buộc các giám mục phải từ bỏ “giáo huấn thường hằng” của Giáo Hội.
Đức Hồng Y Burke cho rằng sự “mù mờ và sai lầm” này xuất hiện lần đầu, trên bình diện chính thức, với bài diễn văn một năm trước đây tại mật nghị hội Hồng Y hồi tháng Hai năm 2014 của Đức Hồng Y Walter Kasper, thần học gia người Đức, vốn nổi tiếng trong nhiều thập niên qua như là tiếng nói của “phe duy cấp tiến” trong Giáo Hội. Dù có tường trình cho rằng mật nghị hội này lớn tiếng phản đối bài diễn văn trong đó Đức Hồng Y Kasper đề nghị hủy bỏ kỷ luật của Giáo Hội về Phép Thánh Thể và để qua một bên giáo huấn luân lý của mình về tính bất khả tiêu của hôn nhân, vào ngày hôm sau, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn ca ngợi ngài vì đã có một nền thần học “trong sáng”.
Ôn hoà
Cũng trong cuối tuần trên, ở một diễn đàn khác tại Anh, Đức Hồng Y Luis Tagle của Manila, Phi Luật Tân, lên tiếng chỉ trích thứ ngôn từ “khó nghe” và “nghiêm khắc” dùng để mô tả các tội ngoại tình và tác phong đồng tính. Sau Đại Hội Lửa Bùng 2 của Giới Trẻ tại Wembley Arena ở London, ngài nói với tờ Daily Telegraph rằng Giáo Hội cần học hỏi lại giáo huấn của mình về “lòng từ bi”.
Vị Hồng Y vừa được Đức Phanxicô cử nhiệm đứng đầu Liên Đoàn Thánh Kinh Công Giáo (Catholic Biblical Federation) này đang được một số quan sát viên coi như ứng viên sáng giá tại cơ mật viện bầu giáo hoàng kỳ tới. Ngài nói với tờ Telegraph rằng Giáo Hội cần lưu ý tới các trào lưu xã hội và tâm lý học mới đây khi thảo luận về tính dục.
Ngài bảo: “Ta phải nhìn nhận rằng trọn nền linh đạo này, tức trưởng thành về lòng từ bi và thực hành nhân đức từ bi này, là một điều ta cần học hỏi đi học hỏi lại… Một phần của việc học đi học lại này còn là việc thay đổi các nhậy cảm văn hóa và xã hội nữa, sao cho những gì tạo ra lối tỏ lòng từ bi mà trước đây được coi là chấp nhận được, … thì nay, vì não trạng người cùng thời, không còn được coi như thế nữa”.
Đức Hồng Y Tagle nói tiếp: “tôi nghĩ cả ngôn từ cũng đã thay đổi rồi, những lời lẽ khó nghe được sử dụng trong quá khứ khi nhắc tới người đồng tính, người ly dị và ly thân, các bà mẹ không kết hôn v.v…chúng quả là nghiêm khắc trước đây.
“ Nhiều người thuộc các nhóm vừa kể bị dán nhãn hiệu và việc này dẫn tới việc cô lập họ trong xã hội rộng lớn hơn. Tôi không biết có đúng như thế không nhưng tôi có nghe rằng trong một số giới, các giới Kitô Giáo, sự đau khổ mà những nhóm này phải chịu được coi như hậu quả thích đáng của lỗi lầm họ, do đó, bị thiêng liêng hóa theo nghĩa này.
“Nhưng hiện nay, ta vui mừng thấy và nghe đã có sự thay đổi trong lãnh vực trên”.
Ngài nhắc lại việc nhấn mạnh của một số vị giáo phẩm muốn có sự thay đổi về “thực hành mục vụ” trong Giáo Hội nhằm cho phép những người hiện đang sống trong các cuộc kết hợp tính dục “bất hợp lệ” được rước lễ, và cho rằng việc này không liên hệ gì tới việc thay đổi giáo huấn của Giáo Hội. Ngài nhắc lại đề xuất của Đức Hồng Y Kasper và những người ủng hộ vị này và cho hay việc này chỉ áp dụng cho các “trường hợp cá thể”.
Theo ngài, “ở đây, ít nhất đối với Giáo Hội Công Giáo, có một phương thức mục vụ diễn ra trong lúc bảo khuyên, trong bí tích hòa giải trong đó, các cá nhân và các trường hợp cá thể được xem sét độc đáo hay từng trường hợp một để có một giải pháp mục vụ nào đó áp dụng cách thích đáng cho người đó”.
Ngài nói tiếp “mọi tình huống của những người ly dị tái hôn đều có tính hết sức độc đáo. Ra luật chung, cuối cùng, sẽ chỉ có hại. Lập trường của tôi hiện nay là tự hỏi: ‘ta có nên xem trọng mọi trường hợp hay không và, trong truyền thống của Giáo Hội, có những nẻo đường nào để giải quyết từng trường hợp một hay không?’ Đó là một trong những vấn đề tôi hy vọng người ta sẽ lượng định, không dễ nói không mà cũng chẳng dễ nói có. Ta không thể đưa ra một công thức cho mọi trường hợp”.
Cấp tiến
Đức Hồng Y Luis Tagle vẫn được coi là có lập trường ôn hòa hay dung hòa, dù đôi lúc hơi nghiêng về phe cấp tiến. Ta hãy nghe chính Đức Hồng Y Walter Kasper lên tiếng. Theo tin của Catholic World News ngày 23 tháng Ba, vị Hồng Y này xin tín hữu cầu nguyện cho sự thành công của thượng hội đồng về gia đình vào tháng Mười sắp tới, vì “cuộc chiến đang tiếp diễn”.
Vốn giữ một vai trò hàng đầu trong thượng hội đồng năm 2014, vì đã vận động mạnh mẽ cho người ly dị tái hôn được phép rước lễ trong một số hoàn cảnh giới hạn, Đức Hồng Y Kasper mới đây cho rằng thượng hội đồng sắp tới sẽ có nhiệm vụ phải đưa ra một chủ trương “không đứt đoạn với thánh truyền nhưng phải là một học lý theo nghĩa khai triển thánh truyền”.
Ngài đưa ra lời yêu cầu trên khi giới thiệu cuốn sách mới của ngài tựa là Pope Francis’s Revolution of Tenderness and Love(Cuộc Cách Mạng Dịu Dàng và Yêu Thương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô). Bản tiếng Anh của cuốn sách được nhà xuất bản Paulist Press ấn hành.
Theo Cindy Wooden của Catholic Herald, Đức Hồng Y Kasper hy vọng rằng thượng hội đồng sẽ tìm ra một “giải đáp chung, với đa số lớn”.
Ngài cho rằng người Công Giáo nên để các vị giám mục của họ biết các hy vọng và các quan tâm của họ đối với thượng hội đồng sắp tới về gia đình, nhưng điều còn quan trọng hơn thế là cầu nguyện để Chúa Thánh Thần hướng dẫn các cuộc thảo luận của các vị giám mục.
Các ngài sẽ được mời gọi biện phân các phương thế giúp Giáo Hội thông truyền niềm vui cho mọi gia đình kể cả các gia đình đang trải qua tan vỡ trong cuộc hôn nhân bí tích của họ. Đức Hồng Y mong có sự khai triển học lý vì cho rằng nếu Giáo Hội tin rằng mình có một “truyền thống sống động”, thì hẳn phải có chỗ dành cho việc khai triển nó.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô vốn chọn Đức Hồng Y Kasper để trình bày với Hồng Y đoàn đầu năm 2014 về những phương thức có thể có để Giáo Hội Công Giáo có thể chào đón một số người Công Giáo ly dị và tái hôn trở lại với các bí tích.
Đức Phanxicô cũng cử ngài làm thành viên của thượng hội đồng đặc biệt về gia đình năm 2014. Việc chăm sóc mục vụ cho những người Công Giáo ly dị và tái hôn phần đời đã trở thành tập chú lớn cho các tranh luận gay gắt. Mọi thành viên của thượng hội đồng đều mạnh mẽ quả quyết giáo huấn của Giáo Hội dạy rằng hôn nhân là vĩnh viễn, nhưng không có sự nhất trí về việc chăm sóc mục vụ cho những người đã thất bại trong hôn nhân.
Đức Hồng Y Kasper cho rằng theo Đức Phanxicô, thượng hội đồng là diễn đàn thích hợp để, nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các nghị phụ biện phân được phương thức tốt nhất đáp ứng niềm tin và nhu cầu của tín hữu Công Giáo.
Ngài bảo: “tính công đồng không làm suy yếu ngôi vị giáo hoàng” nhưng là cơ cấu bổ túc cho phép một đóng góp rộng lớn có tính phổ quát.
Để thượng hội đồng sống đúng các tiềm năng của mình và cung cấp cho Đức Giáo Hoàng các tín liệu và gợi hứng cần thiết, Đức Hồng Y Kasper cho rằng các giám mục tham dự phải lắng nghe tín hữu Công Giáo và được họ nâng đỡ bằng lời cầu nguyện.
Ngài cho rằng “Đức Giáo Hoàng và thượng hội đồng phải quyết định” các biện pháp cần có sau đó “nhưng phải quyết định sau khi lắng nghe”.
Vũ Văn An
Lời Của Thiên Chúa Không Ai Được Phép Đổi.
Trả lờiXóa